Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015

Nhấp vào tiêu đề hoặc hình ảnh để đọc bài viết



NHÀ TRỊ LIỆU CÓ ĐƯỢC PHÉP KHÓC?


Bạn đang trị liệu cho một thân chủ vừa tiết lộ cô ta bị lạm dụng rất thậm tệ khi còn nhỏ. Thân chủ của bạn bắt đầu nức nở - và mắt bạn cũng dần ngấn lệ.
Liệu đó có phải là một phản ứng phù hợp không? Bạn có cần phải che giấu, ngăn cản dòng nước mắt hay cứ để mặc chúng? Nếu bạn khóc, điều đó sẽ tác động tới thân chủ như thế nào?
Nhiều chương trình đào tạo cao học không hề nhắc tới nước mắt trong tiến trình trị liệu, cả trong lớp học hay cả trong quá trình giám sát. Kết quả là nhiều người tin rằng nhà trị liệu cần phải luôn mạnh mẽ và trung lập, và nước mắt là dấu hiệu của sự thiếu chuyên nghiệp, đồng thời làm giảm vai trò được quy định nghiêm ngặt của nhà chuyên môn.
Tuy vậy, một nghiên cứu cho thấy nước mắt vẫn rất hay xuất hiện nơi các nhà trị liệu.Ví dụ, nghiên cứu được thực hiện năm 2013 do TS. Amy C. Blume-Marcovici, TS. Ronald A. Stolberg, và TS. Mojgan Khademi thuộc ĐH Quốc tế Alliant International thực hiện, đăng tải trên tạp chí Psychotherapy cho thấy 72% các nhà tâm lý và các thực tập sinh đã từng khóc với thân chủ, 30% từng khóc ít nhất một lần 4 tuần trước khi khảo sát.
Vậy bạn nhìn nhận điều này như thế nào? Vai trò của nước mắt nơi nhà trị liệu là gì?
Dấu hiệu của tính nhân văn
TS. Nadine Kaslow cho biết, khi bà còn là thực tập sinh, bà chưa bao giờ được nghe đề cập đến việc khóc với thân chủ.
“Có một thông điệp ẩn giấu cho rằng bạn không nên làm điều đó, một cách nào đó, nó tượng trưng cho việc bạn đang gặp phải vấn đề về ranh giới làm việc” Kaslow, giáo sư và tâm lý gia tại ĐH Y Emory, cho biết. Đặc biệt là các nhà trị liệu nữ thường tin rằng nếu họ khóc, nước mắt sẽ cho thấy “bạn không đủ vững vàng để làm công việc này.”
Theo Kaslow, những thông điệp này đến nay vẫn không thay đổi bao nhiêu. Bà vẫn tin rằng hạn chế nước mắt – không để bản thân nức nở hết cỡ - có thể là một nhân tố tích cực và tự nhiên trong mối quan hệ trị liệu.
“Nhiều người trong chúng ta, những người hay nhạy cảm, nhân ái và thường dễ cảm nhận cảm xúc của bản thân, đôi khi hay nghẹn ngào và ngấn lệ trước thân chủ” “Đó là một phản ứng nhân văn và liên nhân vị rất bình thường.”
Tất cả các nhà tâm lý đều làm việc với các vấn đề về cảm xúc của thân chủ, tuy nhiên một số lại thường hay phải nghe các câu chuyện dễ gây xúc động. Trong số đó có TS. Sarah E. Dunn, Giám đốc lâm sàng và giám sát tâm lý tại Dự án Grady Nia tại Bệnh viện Grady, Atlanta, dự án hỗ trợ các phụ nữ là nạn nhân của bạo hành gia đình.
Dunn cho biết các thực tập sinh đôi khi hay nghẹn ngào trước những câu chuyện đong đầy xúc cảm mà các thân chủ chia sẻ - “gần giống như là sang chấn do thấu cảm.” Điều này khiến một vài sinh viên băn khoăn và tìm đến gặp bà.
Dunn cho biết, “Họ cảm thấy hoảng loạn: Họ có nên đi ra khỏi phòng? Đi vào nhà vệ sinh và cô gắng trấn tĩnh lại? Hay thân chủ có thấy cũng không sao?”
Qua nhiều năm, bà nhận ra rằng “việc nhìn nhận nhà trị liệu như một con người và có thể hiện cảm xúc có thể giúp thân chủ mở lòng thêm một ít.”
Thân chủ nghĩ gì?
Nghiên cứu tìm hiểu suy nghĩ của thân chủ về vấn đề này khá khan hiếm.
Trong một nghiên cứu vào năm 2015 trên Psychotherapy, các nhà nghiên cứu Áshley Treat, Jonathan Kelly và Glenn Waller đã khảo sát 188 thân chủ có rối loạn ăn uống và nhận thấy 57% trong số đó từng chứng kiến nhà trị liệu rơi nước mắt. Đa số đều nhìn nhận điều này một cách tích cực, tuy nhiên điều này không tự nhiên mà có: nó phụ thuộc vào cách họ đánh giá nhà trị liệu.
Nếu họ cho rằng nhà trị liệu “hành xử tốt” (được các nhà nghiên cứu định nghĩa là thể hiện sự vui vẻ, chắc chắn và ổn định), thân chủ sẽ dễ nhận xét nước mắt là tích cực hơn và thường sẽ muốn tiếp tục trị liệu. Nhưng nếu họ cảm thấy nhà trị liệu “hành xử tiêu cực” (lo âu, buồn chán hay tức giận), thân chủ sẽ cảm thấy kém tích cực hơn với nước mắt và tiến trình trị liệu.
Kiểu khóc cũng quan trọng. Đa phần hay mô tả nhà trị liệu chỉ mới “chớm” nước mắt. Một số thì mô tả nhà trị liệu khóc nhiều nhưng vẫn tiếp tục làm việc. Một số ít hơn thì mô tả nhà chuyên môn khóc nhiều đến độ buổi làm việc phải tạm ngưng. Thân chủ thường đánh giá mức độ khóc càng lớn là càng tiêu cực.
Các nhà nghiên cứu kết luận: “Nước mắt nhà trị liệu không thể được nhìn nhận là tích cực hay tiêu cực hoàn toàn – nó phụ thuộc vào cách thân chủ nhìn nhận nhà trị liệu trong vị thế một nhân vị ra sao”
Trong một luận án sắp công bố của tại ĐH Đông London, Alice Watso đã nghiên cứu về phản ứng của thân chủ trước việc nhà trị liệu khóc. Cô có động lực làm đề tài này sau khi chứng kiến hai nhà tham vấn khóc trước mặt mình – và cô đã có hai phản ứng rất khác nhau.
Một trường hợp khiến cô cảm thấy gần gũi hơn với nhà trị liệu, trong khi trường hợp còn lại có tác dụng hoàn toàn trái ngược, nó khiến cô quyết định kết thúc tiến trình trị liệu vốn dĩ đã chẳng êm đẹp gì.
Trong đề án nghiên cứu của mình, Watson phỏng vấn tám người tại Vương Quốc Anh, từ 25 đến 56 tuổi, từng chứng kiến nhà trị liệu khóc trong tiến trình làm việc. Nghiên cứu định tính, tìm hiểu xem điều gì là hiệu quả và không hiệu quả, cho thấy kì vọng của thân chủ về trị liệu và nhà chuyên môn tác động đến nhận thức của họ. Một số sẽ phản ứng tiêu cực, xem nước mắt là điểm trừ cho hình ảnh nhà trị liệu trong mắt họ, đồng thời làm lu mờ vai trò và ranh giới một cách tiêu cực. Số khác lại xem nước mắt nhà trị liệu là sự nhìn nhận những nỗi đau mà thân chủ gặp phải.
Theo Watson, bất kể thân chủ nhìn nhận tích cực hay tiêu cực, tất cả những người tham gia đều cho rằng nước mắt của nhà trị liệu là “thời điểm quan trọng và ảnh hưởng tới mọi việc diễn tiến về sau trong tương quan trị liệu.”
Bạn nên nói gì khi rơi nước mắt?
Nếu bạn rơi lệ trước mặt thân chủ, bạn có nên thừa nhận điều đó? Hay tiếp tục làm việc như chưa có chuyện gì xảy ra?
Kaslow cho rằng điều này còn phụ thuộc vào tình huống và mối quan hệ. Đôi khi tốt nhất là không nói gì cả.
“Nước mắt sẻ chia trong một tình huống đau buồn đôi khi không cần lời giải thích nào cả.” Nhưng nếu thân chủ phản ứng bằng cách cố gắng quan tâm đến nhà trị liệu thì “đó mới là lúc cần lên tiếng.”
Nếu trong trường hợp thân chủ không khóc mà chỉ có nhà trị liệu khóc, Kaslow đề nghị ta nên nói một trong những điều sáu đây: “Tôi nghĩ tôi khóc là vì …” hay “Bạn phản ứng như thế nào khi tôi khóc?” Những điều trên có thể được trao đổi ngay lặp tức hay sau khi buổi làm viêc kết thúc, thậm chí là trong buổi làm việc tiếp theo.
Khi nào nước mắt là không thích hợp
Khóc có thể có nhiều định nghĩa, từ một đôi mắt long lanh đến một dòng lệ nhẹ nhàng lăn trên má cho tới tiếng than van nức nở. Các nhà trị liệu thường cảm thấy tiếc nuối vì đã “khóc lớn, khóc nhiều hay khóc vì những việc liên quan đến tình trạng bản thân”, Blume-Marcovici cho biết.
Một điểm nguy hiểm nữa cần lưu ý: khóc bất kể khi nào bạn thấy người khác có vấn đề.
Nếu cứ mỗi lần thân chủ đề cập đến một vấn đề nhất định mà nhà trị liệu đều khóc, “có lẽ thật sự là bạn chưa giải quyết được vấn đề đó nơi bản thân”, Kaslow chia sẻ. Nếu điều này xảy ra, bản thân bạn có lẽ cần được nhận sự hỗ trợ và bạn nên bàn luận điều này với giám sát của bạn.
Theo Blume-Marcovici, những yếu tố dễ “gây” nước mắt cho nhà trị liệu bao gồm đau buồn, mất mát hay sang chấn. Nhà trị liệu vừa trải nghiệm mất mát hay những sự kiện gây căng thẳng nghiêm trọng trong cuộc sống có thể quay lại làm việc quá sớm – họ sẽ dễ xúc động khi thân chủ chia sẻ những trải nghiệm tương tự những điều họ vừa trải qua.
Bà cho rằng nhà trị liệu cần biết cách đánh giá mức độ sẵn sàng của bản thân trước khi quay trở lại làm việc. Tất nhiên sẽ rất khó để biết được chính xác khi nào – hay liệu có hay không – việc nước mắt sẽ xuất hiện. Tuy vậy, thay vì mù mờ suốt buổi làm việc, nhà trị liệu cần phải nhận biết được rằng phản ứng rất con người này hoàn toàn có thể diễn ra và cần có ý tưởng về việc mình cần phải làm gì khi việc này xảy đến. Một cách lý tưởng nhất, Kaslow và Blume-Marcovici cho rằng các chương trình đào tạo tâm lý cần đề cập đến vấn đề này để đem lại câu trả lời thoả đáng nhất.
Nguồn: Hành lang tâm lý: http://hanhlangtamly.blogspot.com/…/nha-tri-lieu-co-duoc-ph…

TÌM HIỂU VỀ TRIỆU CHỨNG RỐI LOẠN ĐA NHÂN CÁCH- DISSOCIATIVE INDENTITY DISORDER

Hình tượng Trương Ba trong tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Lưu Quang Vũ “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” đã phần nào tái hiện những rắc rối của người đa nhân cách. Không chỉ mang hình hài thô tục của tay hàng thịt, Trương Ba dần trở thành con người khác về tính cách, không thể kiểm soát suy nghĩ và hành động một cách thống nhất. Trong thực tế, các triệu chứng này được biết đến với tên gọi “triệu chứng rối loạn đa nhân cách” – một trong những triệu chứng rối loạn gây nhiều tranh cãi nhất trong cộng đồng khoa học vì những điều chưa thể kiểm chứng hay giải thích được. Bài viết sẽ giới thiệu sơ quát về tính chất, nguyên nhân và các biện pháp điều trị của triệu chứng Rối loạn đa nhân cách – DID

1. Triệu chứng
Trước đây, triệu chứng rối loạn đa nhân cách được biết đến với tên gọi Multiple Personality Disorder nhưng gần đây đã được đổi thành Dissociative Identity Disorder – DID để nhấn mạnh sự “phân rẽ” (dissociative) trong nhân cách của những người mắc rối loạn này. Theo Hướng dẫn chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-IV-TR) của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kì (American Psychiatric Association), DID là “sự tồn tại hai hoặc nhiều hơn những bản thể (identities) hoặc tính cách (personality), trong đó mỗi bản thể hoặc tính cách có lối nhận thức, liên hệ, và suy nghĩ về môi trường hoặc bản thân riêng rẽ liên tục kiểm soát hành vi”.
DID khó để chẩn đoán vì những triệu chứng trùng lặp với những rối loạn tâm thần hay tâm lý khác. Triệu chứng của mỗi bệnh nhân lại vô cùng khác nhau. Theo như DSM-IV-TR, một người được chẩn đoán với triệu chứng DID chỉ khi mang những đặc điểm sau:
– Sở hữu ít nhất hai bản thể hay tính cách liên tục chi phối hành vi ngoài vòng kiểm soát.
– Mất trí nhớ (ở một mức nghiêm trọng hơn là sự đãng trí thông thường).
– Triệu chứng không phải là ảnh hưởng tạm thời từ việc sử dụng thuốc hoặc hoá chất.
Những người có triệu chứng DID có thể có một host (nhân cách chủ) và một hoặc nhiều alters (nhân cách thay thế). Host có thể không phải là nhân cách trước khi một người bị rối loạn, nhưng là nhân cách chiếm lĩnh hành vi của người đó tại thời điểm hiện tại. Host đồng thời là nhân cách tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ tâm thần vì nhận thức được sự rối loạn của bản thân hoặc do nghe theo sự hướng dẫn của người thân. Khi một người ở trạng thái Alter (nhân cách thay thế), Host có thể xuất hiện, nắm quyền điều khiển, đưa người bị rối loạn trở lại trạng thái thông thường. Khi một nhân cách đang chi phối hành vi – có thể là Host hoặc Alter, những nhân cách còn lại không xuất hiện. Tuỳ theo sự biến đổi môi trường hoặc các biện pháp điều trị, các nhân cách khác có thể trỗi dậy và chiếm lĩnh nhân cách đang nắm vị trí kiểm soát hiện tại.
Nếu bạn ở nhà là một người hiền lành, ít nói, nhưng khi đi chơi cùng bạn bè lại trở nên hoạt bát, sôi nổi thì đây không phải dấu hiệu của DID vì bạn vẫn đang kiểm soát hành vi của bản thân, đưa ra quyết định về cách ứng xử trong các trường hợp khác nhau nhưng vẫn ý thức mình là ai. Trong khi đó, Mary, một một cô gái da trắng nữ tính, dịu dàng bỗng chốc biến thành John, một chàng trai da đen mạnh mẽ và cực lực phản đối nếu có ai vô tình gọi cô là “phụ nữ”, là một trường hợp DID điển hình. Host của Mary chính là cô gái da trắng dịu dàng còn alters là chàng trai da đen nam tính. Mary chỉ có thể nhận ra sự tồn tại cúa nhân cách John khi nghe từ người thân hay trải qua các phương pháp điều trị. Đây là một trường hợp cụ thể khác, một người phụ nữ được xem là thiên tài hội họa vì 20 nhân cách khác nhau có thể tạo ra các tác phẩm hội họa thuộc 20 trường phái khác nhau.
Switch, sự chuyển đổi giữa các nhân cách, có thể xảy ra trong vài giây, vài tiếng hoặc vài ngày, có lúc qua một giấc ngủ, xuyên giới tính, độ tuổi và quốc tịch. Những người với DID có thể nhận biết một loạt những ngôn ngữ, giọng điệu, cách ăn mặc và cử chỉ hoàn toàn khác nhau. Họ có thể có nét chữ khác nhau và thậm chí đổi cả tay thuận. Bí ẩn hơn, có những người khi đổi nhân cách có thể thay đổi những đặc điểm sinh lý như nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ cơ thể, sức chịu đau, thị giác và thậm chí xuất hiện những căn bệnh chưa hề mắc phải trước đó như dị ứng hay hen phế quản.
Một giả thuyết được đưa ra là người với DID đang mang những “mảnh” tính cách rời rạc, mỗi mảnh thường chỉ tập trung vào một chức năng chính. Khi switch sang một “mảnh”, họ quên đi khả năng học được từ “mảnh” trước đó. Ví dụ một người có host tên Paul, người Mỹ nói tiếng Anh, khi chuyển sang alter Lee lại thích tiếng Nhật, xem phim Nhật và gặp gỡ, làm quen với những người gốc Nhật Bản. Khi chuyển từ Lee sang Paul, anh ta quên mất mình có khả năng nói tiếng Nhật và cả những sở thích hay mạng lưới bạn bè người Nhật của Lee.
Tuỳ trường hợp cụ thể mà một người với DID có thể nhận thức được nhân cách khác của bản thân hay không. Có trường hợp họ chỉ có một ý niệm mơ hồ. Qua hướng dẫn của nhà trị liệu, họ có thể giao tiếp với nhân cách khác của mình. Ví dụ qua việc viết nhật kí, họ sẽ nhận ra những nét chữ khác nhau, những cách nói khác nhau chính là biểu hiện của những alters. Có trường hợp họ ý thức được nhân cách khác đang tồn tại, đặt tên cho chúng và đối thoại với chúng. Một lời chia sẻ của người với DID nhận thức nhân cách phụ thông qua nhật ký như sau: “Hôm qua Lê (tên đặt cho nhân cách mới) rất giận dữ, cô ta ném vỡ tất cả mọi thứ trong phòng tôi.”
Nhiều người với DID có dấu hiệu ảo tưởng khi nhìn thấy trong gương nhiều hình hài, biến thể khác nhau tuỳ theo nhân cách đang chiếm lĩnh họ (có khi là một cô gái, một em bé, một con mèo) hoặc tự “phân thân” và nhìn thấy bản thân từ bên ngoài như một diễn viên đang đóng trong bộ phim cuộc đời của chính mình (giống hiện tượng “chết lâm sàng”). Có người với đời sống tâm linh cao cảm thấy mình bị chiếm hữu bởi ma quỷ hoặc thần thánh và liên tục nghe một giọng nói sai khiến họ (giống như triệu chứng schizophrenia).
Theo thống kê, những người với DID trên trung bình có 15 nhân cách khác nhau, và thường phổ biến ở nữ giới hơn nam giới (tỉ lệ 9 trên 1). Các nhà nghiên cứu tin rằng đó là vì nam giới mắc rối loạn DID có xu hướng bao lực, vi phạm pháp luật. Tỉ lệ vào tù của nam giới với DID khá cao, vì thế khó được phát hiện chẩn đoán. Trong khi đó, phụ nữ dễ phát triển nhiều nhân cách có khả năng được chẩn đoán cao hơn.

2. Nguyên nhân
DID thường xuất hiện từ 4 tuổi, nếu không chữa trị có thể kéo dài hết cuộc đời. Những alters được phát triển liên tục khi một người đối diện với những tình huống mới trong cuộc sống. Người bị chẩn đoán DID đa phần cho biết đã bị lạm dụng thể xác và tình dục khi còn bé. Vì thế, nhiều nhà tâm thần học giả thuyết DID là một loại Rối loạn căng thẳng thần kinh sau tổn thương (Post-traumatic Stress Disorder – PTSD). Theo đó, những ý thức, kí ức, và cảm xúc xuất phát từ một hành động hoặc một sự kiện gây hại tới đứa trẻ bị dồn nén vào vùng ngoài nhận thức, tách rời khỏi hiện thực, như một cách tránh né tổn thương tinh thần. Khi lớn lên, những kí ức và cảm xúc này dần dần trở thành một thể nhân cách riêng biệt. Càng nhiều sự chi phối, càng nhiều nhân cách mới (alters) được tạo thành. Nhìn chung, DID được coi là sự phân ly hoặc tách biệt (dissociation) nhân cách nhằm đối phó với căng thẳng tâm lý và cảm xúc cực độ.
Vẫn còn nhiều tranh cãi liên quan đến nguyên nhân, cơ chế phát bệnh, và cách chẩn đoán DID. Đây chính là do nhiều khái niệm liên quan tới DID như “nhân cách” khá mơ hồ, do thiếu chứng cứ về sự xâm hại từ bé của người với DID (ngoài bản tự thuật), do thiếu định nghĩa rõ ràng về mức độ xâm hại có thể dẫn tới DID, và do có một số lượng rất ít trẻ em bị chẩn đoán DID. Sự khó khăn trong việc chẩn đoán DID cũng gây rắc rối khi có những kẻ lợi dụng rối loạn này làm điều phi pháp, điển hình là vụ án “Tên bóp cổ trên sườn đồi” (The Hillside Strangler) Kenneth Bianchi đã giả triệu chứng DID hòng thoát tội ác cưỡng bức và sát hại 10 cô gái tại Los Angeles, California (Mỹ).

3. Phương pháp điều trị
Vì tính mơ hồ trong chẩn đoán, cách chữa trị DID vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Một trong số những phương pháp điều trị là tái tạo kí ức, bao gồm thuật thôi miên, gợi ý, kích thích tưởng tượng. Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ chính phương pháp này góp phần tạo nên “trí nhớ giả”. Theo đó, do chịu sự tác động của nhà điều trị, nhiều người bị chẩn đoán DID đã tự tưởng tượng ra những sự kiện không có thật. Nhiều người đã cho rằng mình bị xâm hại tình dục bởi bố mẹ mặc dù đây là điều không hề xảy ra hoặc không thể chứng minh. Các nhà khoa học cho rằng bộ não (liên quan đến trí nhớ) trẻ em chưa thể hoàn thiện trước khi chúng lên ba, đặc biệt chống đối phương pháp này khi phần đông những người mắc DID “nhớ lại” việc mình bị xâm hại xảy ra trước khi họ ba tuổi.
Ngoài ra, trong lúc cùng bác sĩ tâm lí tham gia phương pháp “đóng kịch” hoặc phân tâm học nhằm khai thác alters, người bị chẩn đoán DID có thể hoang tưởng, phát triển và ngộ nhận alters mới, từ đó triệu chứng trở nên trầm trọng hơn. Điển hình là trường hợp của Shirley Mason, với tình trạng tình cảm không ổn định, vì không nhận được sự chú ý của bác sĩ tâm thần Connie Wilbur, đã giả triệu chứng DID và lôi người bác sĩ đầy tham vọng nghiên cứu DID vào vòng xoáy dối trá của mình. Vì thế, nhiều nhà khoa học hoài nghi chính bác sĩ tâm lí và người “bệnh” tự hoang tưởng và tạo ra rối loạn này, và đặt câu hỏi liệu DID có thực sự tồn tại.
Liệu trình điều trị DID dài hạn (trung bình 4 năm) thường diễn ra 2 lần mỗi tuần. Nhà trị liệu cần phát triển mối quan hệ tin tưởng với host lẫn alters (qua thuật thôi miên), vì nhiều alters (đặc biệt những alters mang tính bạo lực, mạnh mẽ) có xu hướng chống đối nhà trị liệu vì biết họ đang tìm cách tiêu diệt mình. Từ đó, nhà trị liệu phát hiện nguồn gốc tổn thương tinh thần (nếu có) và hướng dẫn cho người với DID những phương pháp đối phó thay vì đè nén cảm xúc. Nhà trị liệu cũng giúp cho host và alters đối thoại với nhau nhằm đi đến hợp thành một thể thống nhất.
Tuy nhiên, những người đã trải qua rối loạn tính cách, tình cảm và ăn uống thường mất thời gian khá lâu và rất khó để phục hồi, nhất là khi họ vẫn còn quan hệ mật thiết với người đã xâm hại mình. Cuộc sống của những người bị rối loạn DID luôn luôn xáo trộn, khi mà trong bất kỳ khoảnh khắc nào, họ đều có thể lạc lại vào một thế giới lạ lẫm, một tình huống khó hiểu, không nhớ chuyện gì đã xảy ra, cảm thấy bản thân luôn luôn bị biến đổi. Vì thế, người với DID có xu hướng tự sát. Trong câu chuyện của Trương Ba, nhân cách chính Trương Ba vốn thanh cao, tao nhã, vì thế thà chết đi chứ không thể sống cùng với nhân cách anh hàng thịt thô lỗ, cộc cằn.

4. Tầm ảnh hưởng
Ở Mỹ, nhiều tác phẩm phim ảnh, điển hình là các bộ phim kinh dị, đã khai thác đề tài đa nhân cách vì tính bí ẩn và cuốn hút của nó: Dr. Jeckyll and Mr. Hyde, Psycho, Fight Club, Primal Fear, Hide and Seek, Identity, Uninvited (từ bản góc Tale of two sisters, Hàn Quốc), Me, Myself & Irene, The Exorcism of Emily Rose. Mỹ chính là nơi nhiều người bị chẩn đoán DID nhất, chiếm khoảng 1% dân số Mỹ.
Đa số mọi người vẫn lạ lẫm với DID, vì thế, nhiều trường hợp DID bị chẩn đoán là ma nhập. Vụ án trừ quỷ của Anneliese Michel, một cô gái người Đức, là một ví dụ điển hình. Thay vì gửi cô con gái vào bệnh viện tâm thần khi cô liên tục co giật, không kiểm soát được hành vi bản thân, gào thét, chửi rủa, khai ra danh tính 6 tên quỷ trong đạo Thiên Chúa bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, ba mẹ cô đã cho mời linh mục làm lễ trừ tà và buộc cô thi hành nhiều nghi lễ cho tới chết. Tại Việt Nam, nhiều trung tâm “áp vong” đang mọc lên để “đuổi ma”, chữa bệnh tâm thần mà không dựa trên bất kì cơ sở khoa học nào dẫn tới tiền mất tật mang. Rối loạn đa nhân cách, trong khi vẫn còn là đề tài tranh cãi của các nhà khoa học, cần được nhận thức rõ hơn để tránh những sai lầm đáng tiếc trên.
Nguồn: https://vietpsy.wordpress.com/…/tim-hieu-ve-trieu-chung-ro…/
Nhấp vào tiêu đề hoặc hình ảnh để đọc bài viết



Nhấp vào tiêu đề hoặc hình ảnh để đọc bài viết



ADHD- CHỨNG TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý

ADHD- CHỨNG TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý



ĐÀN ÔNG “SELFIE” NHIỀU THƯỜNG CÓ MỨC ÁI KỶ VÀ RỐI LOẠN TÂM THẦN CAO


ĐÀN ÔNG “SELFIE” NHIỀU THƯỜNG CÓ MỨC ÁI KỶ VÀ RỐI LOẠN TÂM THẦN CAO


Một nghiên cứu mới vừa cho thấy đàn ông hay đăng tải lên các mạng xã hội nhiều hình ảnh bản thân hơn hình ảnh những người khác thường có số điểm ái kỷ (yêu bản thân) và tâm bệnh khá cao.
Không những thế, số điểm ái kỷ và chăm chút bề ngoài cũng cao hơn đối với các đối tượng nam giới hay chỉnh sửa hình ảnh bản thân trước khi đăng tải.

“Có thể việc những người đàn ông đưa nhiều hình ‘tự sướng’ và giành nhiều thời gian chỉnh sửa hình ảnh bản thân thường có nét ái kỷ hoàn tòan không phải là bất ngờ, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một nghiên cứu xác nhận điều này,” Jesse Fox, chủ nhiệm nghiên cứu và là phó giáo sư Truyền thông tãi ĐH Bang Ohio cho biết.

“Thú vị hơn nữa, họ còn có mức điểm nhân cách chống đối xã hội, tâm bệnh và chú ý bề ngoài bản thân cao hơn.”

Fox thực hiện nghiên cứu này cùng với Margaret Rooney, nghiên cứu sinh tại ĐH Ohio. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Personality and Individual Differences.

Fox nhấn mạnh rằng kết quả không có nghĩa là những người hay đăng hình tự chụp nhất thiết phải là người ái kỷ hay có rối loạn tâm thần. Những nghiệm thể trong nghiên cứu đều có số điểm nằm trong khoản hành vi bình thường – trừ những người có nét chống đối xã hội cao, số điểm của họ cao hơn mức trung bình.

Tính ái kỷ được quy định bởi niềm tin rằng bạn thông minh, hấp dẫn và vượt trội hơn người khác, tuy nhiên bên dưới lại có thể đi kèm theo cảm giác thiếu tự tin. Tâm bệnh có đặc điểm là thiếu thấu hiểu và quan tâm đến người khác, đồng thời có xu hướng xuất hiện những hành vi bốc đồng.

Mẫu nghiên cứu bao gồm 800 đàn ông tuổi từ 18 đến 40, các nghiệm thể thực hiện một bản khảo sát trực tuyến tìm hiểu về hành vi đăng tải hình ảnh trên mạng xã hội của người tham gia. Các nghiệm thể cũng trả lời một bảng hỏi tiêu chuẩn về các hành vi chống đối xã hội và hiện tượng chú ý quá mức đến bề ngoài của mình. (Nghiên cứu không thực hiện trên phụ nữ vì bộ dữ liệu Fox thu thập từ các tạp chí không có dữ liệu giúp so sánh với nữ giới.)
Bên cạnh việc nghiên cứu tần suất đăng ảnh, bảng khảo sát còn quan tâm đến việc nghiệm thể có hay chỉnh sửa ảnh trước khi đưa lên mạng hay không, trong đó bao gồm cắt ảnh, sử dụng các bộ lọc cùng những phần mềm chỉnh sửa ảnh.

Fox chia sẻ, “Phần lớn chúng ta không nghĩ tới việc đàn ông có thể làm những điều như vậy, nhưng chắc chắn họ có làm điều đó.”

Các kết quả cho thấy việc đăng tải nhiều ảnh có liên hệ tới tính ái kỷ và tâm bệnh, tuy nhiên, rối loạn tâm lý lại không có tương quan với việc chỉnh sửa hình ảnh.
“Điều này hoàn toàn hợp lý vì tâm bệnh có đặc điểm là tính bốc đồng. Họ là những người sẽ chụp hình và đăng tải lên mạng ngay lập tức. Họ muốn nhìn thấy bản thân ngay tức thì thay vì bỏ thời gian ra chỉnh sửa,” Fox cho biết.

Chỉnh sửa ảnh còn có liên hệ tới mức độ chú ý đến vẻ bề ngoài, yếu tố ít khi được nghiên cứu trên đàn ông dị tính.

Chú ý đến bề ngoài được định nghĩa là đánh giá bản thân chủ yếu qua ngoại diện thay vì những đặc điểm tích cực khác.

“Chúng ta biết rằng việc chú trọng quá mức vẻ bề ngoài có thể dẫn tới những hệ quả rất tệ hại, như trầm cảm và rối loạn ăn uống ở nữ giới. Với việc chúng ta sử dụng mạng xã hội mỗi ngày một nhiều hơn trước, việc mọi người quan tâm hơn tới bề ngoài là điều dễ hiểu. Vì vậy, hiện tượng này dần có thể trở thành một vấn đề lớn hơn đối với đàn ông cũng như phụ nữ.”

Dù nghiên cứu này không tìm hiểu về nữ giới, tuy nhiên, Fox cho biết bà đang thực hiện những bước tiếp theo nhằm chứng minh kết quả này cũng có thể ứng dụng cho nữ giới. Theo đó, có vẻ phụ nữ hay đăng hình tự chụp cũng có mức ái kỷ và tâm bệnh cao.
Ngoài ra, giống như dự đoán, việc chú ý quá mức tới vẻ bề ngoài đóng một vài trò lớn hơn đối với nữ giới.

Fox tin rằng những người có số điểm chú ý đến bề ngoài cao sẽ đăng hình “tự sướng” nhiều hơn, điều này sẽ đưa tới nhiều nhận xét, phản hồi từ bạn bè trên mạng, khuyến khích người đó tiếp tục đưa nhiều hình của bản thân lên mạng xã hội hơn trước.
Nhìn chung, Fox cho rằng nghiên cứu này cùng những nghiên cứu khác cho thấy các đặc điểm nhân cách có thể tác động tới cách chúng ta thể hiện bản thân trên mạng.
“Chúng ta ai cũng quan tâm tới việc tự giới thiệu mình trên mạng, nhưng cách
 thức chúng ta làm điều đó có thể cho thấy một vài điều về nhân cách của mỗi người.”



RỐI LOẠN PHÁT TRIỂN LAN TỎA

RỐI LOẠN PHÁT TRIỂN LAN TỎA
Bác sĩ Đặng Ngọc Thạch



I.        ĐỊNH NGHĨA

Tự kỷ là một dạng bệnh trong Rối Loạn Phát Triển Lan Toả (Rối Loạn Phổ Tự Kỷ), khởi phát sớm trong 3 năm đầu tiên của cuộc đời, tác động đến sự phát triển của trẻ trong 3 lĩnh vực chính như: tương tác xã hội, ngôn ngữ, hành vi. Tự kỷ là một rối loạn mãn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển trí tuệ và hành vi cũng như khả năng học tập, sinh hoạt và khả năng thích ứng của trẻ sau này.

II.      LỊCH SỬ VÀ THUẬT NGỮ

            Trước đây thuật ngữ “tự kỷ” không thấy xuất hiện trong y khoa, nhưng đến năm 1943 một nhà tâm thần học người Áo tên là Leo Kanner đã mô tả một nhóm 11 trẻ có những biểu hiện phát triển không bình thường như: có những khiếm khuyết về tương tác xã hội, khiếm khuyết trong quá trình phát triển ngôn ngữ, có những hành vi kỳ lạ lặp đi lặp lại nhiều lần, khởi phát sớm trước 3 tuổi và khái niệm “tự kỷ” được ra đời từ đó.
Năm 1944, một bác sĩ Nhi khoa người Áo tên là Hans Asperger đã mô tả một dạng tự kỷ nhẹ hơn Kanner mô tả rất nhiều. Sau này, người ta lấy tên ông đặt cho rối loạn này gọi là hội chứng Asperger.
            Ngày nay, người ta dùng thuật ngữ “ Rối loạn phát triển lan tỏa” hoặc “Rối loạn phổ tự kỷ” để mô tả các trẻ em có các rối loạn phát triển trên 3 lĩnh vực chính là: tương tác xã hội, rối loạn ngôn ngữ và hành vi. Rối loạn phát triển lan tỏa gồm có 5 rối loạn chính: Tự kỷ, Hội chứng asperger, Hội chứng Rett, Rối loạn tan rã ở trẻ em, tự kỷ không điển hình. Trong đó “tự kỷ” (tự kỷ không điển hình) và “hội chứng Asperger” là những rối loạn rất thường gặp.

III.    DỊCH TỄ HỌC

Có rất nhiều công trình nghiên cứu cho số liệu khác nhau do không thống nhất các  tiêu chuẩn chẩn đoán và theo thời gian tỷ lệ cũng khác nhau.
Bảng tỷ lệ mắc tự kỷ và rối loạn phát triển lan toả trong 50 năm qua:
Năm nghiên cứu
Tỷ lệ
Tiêu chuẩn
chẩn đoán
Thuật ngữ
1960-1980
0,4-0,5/1000
Tiêu chuẩn Kanner
Tự kỷ
1980-1990
1,5/1000
 DSM-III
Rối loạn tự kỷ
1990-2000
0,7-1,1/1000
DSM-III-R
Rối loạn tự kỷ
Từ 2000
4-6/1000
DSM-IV
Rối loạn phổ tự kỷ (Rối loạn phát triển lan toả)

Nam/nữ: 4/1

IV.     BỆNH CĂN - BỆNH SINH:

Trước đây Kanner nghĩ rằng do nguyên nhân tâm lý do bà mẹ vô cảm “băng giá”. Các nhân tố tâm lý xã hội và gia đình chỉ là những yếu tố làm bệnh nặng lên chứ không phải là nguyên nhân gây bệnh.
Khoa học ngày càng phát triển thì có nhiều bằng chứng cho thấy tự kỷ là một rối loạn sinh học trong sự phát triển của não.
+ Gần đây chụp cộng hưởng từ MRI phát hiện teo thuỳ nhộng của tiểu não tăng bất thường các tiểu thuỳ võ não (Polymicrogyria).
+ Giải phẫu bệnh vi thể thấy giảm sút số lượng các tế bào Purkinje.
+ Chụp PET còn thấy rối loạn chuyển hoá lan tỏa ở vỏ não.
Các yếu tố di truyền: Ở trẻ sinh đôi khác trứng tỷ lệ là 25%, ở trẻ sinh đôi cùng trứng tỷ lệ lên đến 60-92% .
+ Tự kỷ còn tương quan với tỷ lệ cao mắc hội chứng “gãy nhiễm sắc thể  X” và một bệnh não di truyền khác là bệnh xơ não củ (di truyền nhiễm sắc thể Autosom trội).
+ Các nghiên cứu giải mã AND gần đây còn phát hiện các gen liên quan đến bệnh tự kỷ nằm ở nhiễm sắc thể số 2,3,7,15,17 và số 22.
Ngoài ra còn các yếu tố khác: yếu tố miễn dịch, các biến chứng chu sinh, các bất thường về giải phẫu thần kinh, một số rối loạn về chuyển hoá sinh hoá não đã được phát hiện là có liên quan đến bệnh sinh của chứng tự kỷ.

V. BIỂU HIỆN LÂM SÀNG VÀ  TIÊU CHUẨN CHẨN ĐOÁN VÀ CÁC THANG TẦM SOÁT, CHẨN ĐOÁN

1. Biểu hiện lâm sàng
Biểu hiện trong rối loạn Tự kỷ nói riêng cũng như rối loạn phát triển lan toả nói chung người ta nói đến tam chứng rối loạn. Đó là rối loạn các mối quan hệ tương tác xã hội, rối loạn quá trình phát triển ngôn ngữ và rối loạn hành vi.
Thiếu sót những kỹ năng tương tác xã hội: trẻ thích chơi một mình, ít hoặc không quan tâm đến bạn cùng trang lứa, chơi không hòa đồng được với bạn (thường ngồi cách xa, xô đẩy bạn, đánh bạn,…), thờ ơ không quan tâm đến những người xung quanh, thiếu sự trao đổi qua lại về mặt tình cảm với người xung quanh, thiếu tiếp xúc bằng mắt, không đáp ứng với lời nói, không nhận thức được việc cần phải giao tiếp với những người xung quanh…
Rối loạn ngôn ngữ giao tiếp: chậm hoặc hoàn toàn không có ngôn ngữ nói, đôi khi nói theo ngôn ngữ riêng, hoặc phát ra những âm thanh vô nghĩa. Với những trẻ có khả năng nói, thì trẻ gặp rất nhiều khó khăn khi bắt đầu câu chuyện và duy trì việc đối thoại, ngôn ngữ giao tiếp nghèo nàn, có khi lặp lại hoàn toàn câu hỏi của người khác.
            Rối loạn hành vi: các họat động lặp lại định hình những cử động thân thể (vỗ tay, cử động tay bất thường, lắc người, đi nhón gót, xoay vòng tròn, chạy vòng quanh một vật cố định…). Tập trung quá mức vào các bộ phận của đồ vật.
            Những hành vi tăng động, đập phá, cơn giận dữ, tăng động xen lẫn thụ động, hành vi tự huỷ hoại (đập đầu , cắn tay…), hành vi tấn cộng trẻ khác…
            Các rối loạn kèm theo rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, rối loạn lo âu trầm cảm, rối loạn cảm nhận về các cơ quan giác quan.

2. Bảng tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn tự kỷ theo DSM-IV
A.Có tổng cộng ít nhất 6 trong các mục (1), (2) và (3) với ít nhất 2  trong (1) và nhất 1 mỗi mục (2) và (3)
(1)  Tật chứng giảm sút về chất trong tương tác xã hội, biểu hiện ít nhất là 2 trong các tiêu chuẩn sau:
a)Tật chứng rõ ràng khi sử dụng các đáp ứng không lời như là giao tiếp bằng mắt, biểu lộ nét mặt, tư thế, dáng điệu trong tương tác xã hội.
b)Không hình thành được mối quan hệ với bạn cùng tuổi.
c)Thiếu sót trong việc tìm kiếm chia sẽ niềm vui, sự thích thú và thành tích với người khác (không biểu lộ, mang đến hoặc chỉ ra được cái mình quan tâm).
d)Không có đồng cảm về cảm xúc và xã hội.
(2)Tật chứng giảm sút về chất trong giao tiếp, biểu hiện ít nhất có 1 trong các tiêu chuẩn sau:
a)Chậm phát triển hoặc mất hoàn toàn ngôn ngữ nói.
b)Với những trẻ đã biết nói, có tật chứng rõ rệt về khả năng đối thoại với người khác
c)Ngôn ngữ định hình, lặp lại hoặc vô nghĩa.
d)Mất khả năng tham gia các trò chơi thân mật hoặc trò chơi bắt chước so với tuổi.
(3)  Hành vi định hình, giới hạn lặp lại; sự quan tâm và các hoạt động. Biểu hiện ít nhất có 1 trong các tiêu chuẩn sau:

a) Chỉ có 1 quan tâm thích thú nổi trội, xâm chiếm quá mức về cường độ và phạm vi có tính định hình.
b) Các hành vi, nghi thức không có chức năng gì được trẻ gắn bó một cách quá mức.
c) Các động tác định hình, lặp lại (vỗ tay, vẫy tay, vặn tay, hoặc động tác toàn than…)
d) Thường xuyên bị xâm chiếm bởi một số bộ phận của các vật.  
B. Bệnh phát trước 36 tháng tuổi
C. Loại trừ Hội chứng Rett và rối loạn tan rã ở trẻ em

3. Các cộng cụ tầm soát và chẩn đoán dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán của DSM-IV:
- Checklist for Autism in Toddlers (CHAT, CHAT-23, M-CHAT)
- Psychoeducational profile, third edition(PEP-3)
- Autism behavior checklist (ABC)
- Childhood autism rating scale (CARS)
- Gilliam autism rating scale (GARS)
Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán dành cho nghiên cứu bệnh tự kỷ:
-          Autism diagnostic interview-revised: tổng hợp từ 2 tiêu chuẩn chẩn đoán DSM-IV và ICD-10
-          Autism Diagnostic Observation Schedule (ADOS) độ nhạy 90-97% và độ đặc hiệu 87-93%.

VI.  CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT:
- Tâm thần phân liệt khởi phát ở trẻ em: hiếm gặp và chỉ phát bệnh sau 5 tuổi
- Chậm phát triển tâm thần có rối loạn hành vi: những trẻ này khác trẻ tự kỷ ở chỗ vẫn có giao tiếp và tương tác với các trẻ cùng độ tuổi phát triển.
- Mất ngôn ngữ mắc phải do động kinh: có những biểu hiện của bệnh lý động kinh và có biểu hiện sóng động kinh trên EEG.
- Điếc bẩm sinh.

VII.  ĐIỀU TRỊ:
Có rất nhiều phương pháp can thiệp được đưa ra nhằm giúp trẻ cải thiện các kỹ năng bị thiếu sót, hạn chế các rối loạn hành vi trong quá trình phát triển, để giúp trẻ phát triển và hòa nhập xã hội tốt hơn. Muốn trẻ được phát triển tốt, điều trước tiên là  phát hiện sớm, chẩn đoán sớm và có những biện pháp can thiệp phù hợp. Các phương pháp can thiệp chính và có hiệu quả được ghi nhận hiện nay:
A. CAN THIỆP GIÁO DỤC: có rất nhiều các phương pháp giáo dục tác động đến trẻ tự kỷ, nhưng sau đây là những phương pháp giáo dục đã được chứng minh là có hiệu quả tác động tích cực đến trẻ tự kỷ:
-          Phân tích hành vi (ABA)
-          Trị liệu ngôn ngữ
-          Hướng dẫn các kỹ năng xã hội
-          Trị liệu hoà hợp giác quan
B.      DÙNG THUỐC
Các thuốc được chọn lựa cho các triệu chứng thường gặp ở trẻ tự kỷ:

Hành vi định hình và ám ảnh cưỡng chế
-   SSRI (Fluoxetine, Fluvoxamine, Paroxetine, Sertraline)
- Thuốc chống loạn thần không đặc hiệu (Risperidone, Olanzapine…)
Trẻ tăng động, kém tập trung chú ý, xung động
-  Stimulant (Methylphenidate, Dextroamphetamine)
-  α2 agonist (Clonidine, Guanfacine)
Hiện tại các thuốc này chưa xuất hiện tại thị trường Việt Nam
Trẻ kích động, quậy phá, Hành vi tự gây tổn thương.
-  Thuốc loạn thần không đặc hiệu (Risperidone, Olanzapine…)
-  Thuốc ổn định khí sắc (Valproate)

Trẻ có rối loạn giấc ngủ
-  Antihistamine

Rối loạn lo âu, trầm cảm
SSRI
Rối loạn lưỡng cực
-  Thuốc ổn định khí sắc (Valproate),
-  Loạn thần không điển hình (Risperidone, Olanzapine)


Thông tin bài đăng này được sử dụng công khai với mục đích tìm hiểu, trao đổi học thuật và không được thương mại hóa. Khi chia sẻ, trích dẫn nội dung bài đăng này xin vui lòng ghi rõ nguồn theo đường dẫn: http://www.benhviennhi.org.vn/news/detail/164/roi-loan-phat-trien-lan-toa-la-gi.html. Xin cảm ơn!